Trăng Thập Tự

 

Có ai về Cát Minh

Tuyển tập thơ Trăng Thập Tự

(1963-2004)


 

MỘT NẺO CÁT MINH

 

Một thuở

Yêu em

Theo trăng tìm dệt lụa

Khoác áo tình cho đêm.

Hóa vết thương không lành

Bởi đêm chưa dày đủ.

Rủ trăng về cuốn lụa

Trả đêm đen cho đời.

Nhặt thanh gươm ngày cũ

Nung một khối lửa nồng

Cho vết phỏng giữa lòng

Không bao giờ lành nữa.

Đứng lên về Cát Minh

Bước chung đoạn đường tình.

Trăng cả một thuyền đầy

Chợt trút hết, theo Thầy.

Bạn có thể đặt tên cho bài thơ là cuốn lụa. Tôi viết nó tại Manila, mùng 6 tết Giáp Thân 2004, phần nào gói ghém hành trình hơn 40 năm làm thơ cho Chúa.

Một trong những bài thơ đầu tiên tôi còn giữ được là bài “Trăng tu viện”, viết năm 16 tuổi, lúc học lớp đệ ngũ, tức là lớp 8 ngày nay, với câu mở đầu thật ướt át:

Nàng trăng hỡi, thôi đừng trêu ghẹo nữa,

Kẻ tu hành xin khẩn khoản van lơn.

Anh em chủng sinh cùng lớp có người thích và khuyến khích tôi nhưng cũng có người bàn ra: “Bạn muốn tu thì đừng làm thơ nữa! Xuất bây giờ!” Tự hỏi tại sao đi tu lại không thể làm thơ, tôi đáp:

– Mình sẽ vừa làm thơ vừa làm linh mục.

Để khẳng định quyết tâm ấy, tôi đã chọn bút hiệu Trăng Thập Tự. Trăng tượng trưng cho nghệ thuật, thập tự tượng trưng cho đời tu. Một bên tròn một bên vuông, tưởng chừng không sao hòa hợp được, thế nhưng khi Đức Giêsu gục đầu trên cây giá gỗ ấy thì quanh đầu Ngài tỏa ra một vòng hào quang. Càng về sau tôi càng thích thú với hình ảnh Đức Giêsu sẽ nối kết những gì tưởng chừng không nối kết được. Chính Ngài giao hòa giữa trời tròn với đất vuông, giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa nỗ lực con người và ân sủng Thiên Chúa. Rồi những năm đầu Đại chủng viện, được sự khích lệ của cụ Võ Long Tê, tôi tiếp tục làm thơ.

Mười hai năm sau, tháng 8 năm 1975, đến lúc tôi phải quyết định dấn thân lãnh nhận các tác vụ thánh. Trở ngại không phải là thơ nhưng là những tật nguyền trong tâm hồn tôi. Tuy nhiên, với sự trấn an của cha linh hướng, lòng tin vào ơn Chúa và vì yêu mến các linh hồn, tôi đã tiến bước.

Sau khi làm linh mục, tôi mới nhận ra mình đã vô tình chọn tên một vị thánh nhà thơ làm bút hiệu. Tên tôi trùng với thánh Gioan Thánh Giá, vị thánh cải tổ Dòng Cát Minh ngành nam. Trong ca dao “trăng” cũng còn được đọc là “giăng”, mà “Giăng” lại là từ được anh em Tin Lành chọn để phiên âm thay cho “Gioan”.

Tôi đã nghe nói nhiều đến vị thánh này từ hồi học Đại chủng viện. Cũng đã có mấy người khuyến khích tôi đọc các tác phẩm của ngài nhưng chẳng hiểu sao tôi không chịu đọc. Mãi tới bốn mươi tuổi, sau nhiều dịp nói chuyện với thầy Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, tôi mới đọc thánh Gioan Thánh Giá và dần dần đã đi theo ngài. Duyên hay là nợ?

Những năm ở Đại chủng viện tôi nghiêng về hoạt động xã hội và các phong trào sôi nổi. Sau khi làm linh mục tôi vẫn còn khuynh hướng chạy theo sức mình, chạy theo những sáng kiến mới và những phương tiện nhân loại, tìm cách bọc đường cho thuốc đắng. Giờ đây vị thánh này bắt đầu nói với tôi những điều có vẻ rất khác.

Suốt mười năm sau khi thụ phong linh mục, năm nào tôi cũng mất cả tháng trời chạy đôn đáo mong xin được một chỗ dừng chân để phục vụ và đóng góp như lòng mình ước mơ. Chùm thơ đầu tiên ghi lại chuyện này mang tên Tiên Tri, trong đó tôi tự đồng hóa mình với ngôn sứ Êlia. Sau đó còn một bài Êlia khác nữa trước khi tôi biết được rằng vị ngôn sứ này được coi là tổ phụ tinh thần của Dòng Cát Minh. Quả không hẹn mà hò.

Những năm ấy, anh chị em giáo dân và vị linh mục già ở Tuy Hòa rất mong mỏi đợi chờ tôi xin được về đó. Tôi vừa làm hết sức mình để đáp lại nguyện vọng của mọi người và cũng là của chính tôi, vừa linh cảm rằng Thiên Chúa đang muốn một điều gì khác. Có lần sau một ngày mệt nhoài chạy giấy tờ hộ khẩu chẳng kết quả gì, ngang qua những cầu trên đường về Quy Nhơn, tôi đã viết:

Sông xanh nước chảy lững lờ,

Thân anh phiêu bạt, em chờ đợi chi?

Đường dài Chúa đuổi anh đi,

Dừng đây phút chốc, việc gì em thương?

Lần khác, cũng sau những mệt mỏi với giấy tờ, tôi quỳ một mình trong nhà thờ Tuy Hòa mà nghiệm ra rằng có lẽ ơn gọi của tôi là chính cái tư thế ấy:

Ngày xưa Ngài bảo con đi,

Bây giờ Ngài bảo con quỳ xuống đây.

Suốt những năm đầu đời thất nghiệp, tôi đã xoay dần sang một nghề tay trái là giảng tĩnh tâm, học đòi theo các môn sinh của thánh I Nhã. Việc giảng tĩnh tâm có đem lại cho nhiều người một số kết quả mà đồng thời cũng đem lại cho tôi lắm kinh nghiệm về nhận định để phân biệt ý mình với ý Chúa, và nhờ đó, những tật nguyền trong tâm hồn tôi dần dần được chữa khỏi. Dĩ nhiên là phải đi từ những kinh nghiệm đau thương của chính mình:

Lòng ơi lòng, sao ta dám tin em,

Khi em đã biết giả vờ thánh thiện.

Lòng ta ơi, thôi đi, đừng ngụy biện,

Mãi tìm mình, sao gặp được Trời Cao?

Thoạt đầu tôi cứ tưởng mọi điều tôi đang khám phá đều là Linh Thao I Nhã. Thế nhưng dần dần các con cái của thánh I Nhã lại cho biết rằng tôi đang giảng một thứ Linh Thao ngoài luồng. Lắm điều đối với tôi thật quan trọng thì anh em tôi không quan tâm. Tôi cũng bạo phổi làm điều những anh em ấy ít khi làm, ấy là dạy cho người tĩnh tâm cách phân biệt điều tốt thật với điều tốt giả, hay bình an thật với bình an giả, ngay khi họ mới làm linh thao lần đầu… Những người tĩnh tâm cũng rất thích thú, xúc động và được ơn hoán cải đích thật, khi nghe tôi nhấn mạnh đến những điều nhỏ, sự song song đồng dạng giữa điều nhỏ và điều lớn, giữa cái bên ngoài và cái bên trong. Về sau, đọc tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá tôi mới hiểu ra rằng mình đã lấy râu ông nọ cắm cằm ông kia. Tôi đã hướng dẫn các tâm hồn theo đường của thánh Gioan Thánh Giá mà không ngờ.

Thêm một điều nữa tôi có phần giống các vị trong Dòng Cát Minh: nghiền ngẫm các bài học Cựu ước. Nhiều nhân vật Cựu ước đã là nguồn cảm hứng cho tôi: Ađam, Evà, Abraham, Isaac, Giacóp, Môsê, Đavít, Giônathan, Amos, Giêrêmia, Hôsê, Giôna và cả Rút mà có lần tôi đã được nhập vai:

Em đang mót lúa dưới đồng,

Không dưng ông chủ đem lòng xót thương.

Người phụ nữ gốc dân ngoại ấy cảm kích trước lòng tốt của ông Bôát nhưng thật ra lòng tốt của ông có phần cũng là đáp lại lòng tốt của nàng. Còn khi chúng ta được Thiên Chúa xót thương thì quả thật không do một công trạng nào của bản thân. Chẳng ai có được một chút gì đáng giá để Thiên Chúa phải quan tâm đến. Đó cũng là điều thật đúng cho bản thân tôi. Đang không. Đang không Ngài đã ngỏ lời và từ không bỗng dưng tôi đã thành có:

Xưa tôi chẳng nói chẳng rằng,

Vô thanh vô sắc, lặng băng cõi nào.

Thương tôi Chúa đã gọi vào

Ô hay, hiện hữu, xiết bao lạ lùng.

Tôi thụ phong linh mục vào mùa hoa quỳ Đà Lạt nở vàng rực núi đồi, vì thế mà tôi yêu hoa quỳ. Ôi đóa hoa quỳ ấy có mùi khó chịu là vậy mà sao tôi yêu nó đến thế? Thì ra, cũng tựa như Thiên Chúa yêu tôi chỉ vì Ngài là Tình Yêu:

Hoa trong thành phố thiếu gì,

Sao anh lại chọn dã quỳ mà thương?

Không vì sắc, chẳng vì hương,

Yêu em là bởi anh thường hay yêu.

Thế đấy, chuyện tình đối với hoa quỳ cũng giúp tôi hiểu hơn về chuyện tình Chúa dành cho tôi. Dịp kỷ niệm 10 năm thụ phong linh mục đã giúp tôi thấm thía chuyện tình ấy:

Quỳ hoa ai rắc sao sa,

Cho đồi xanh nối lòng ta với trời.

Mùa thu 1990, Mẹ đưa tôi về Việt Bắc, tắm nước sông Hồng ở Phố Lu, rồi lên đỉnh cao nhìn tư bề, thấy tà áo Mẹ phủ khắp non sông. Trước đó mấy hôm, Mẹ đưa về Phát Diệm. Phát Diệm lúc ấy chưa có ánh điện màu. Trong đêm đen, Mẹ kể cho tôi nghe chuyện cô bé chăn cừu:

Chuyện rằng chú bé chăn chiên

Bị thương ốm nặng triền miên tháng ngày.

Từ trên ngực đến chân tay

Phải tên cô bé thường hay chăn cừu.

Sông Tương dòng nước luân lưu,

Cho nên chú bé lỡ yêu cô mình.

Kinh Dịch dạy rằng đối với trời thì đàn ông là âm. Kinh Diễm Ca trong Thánh Kinh Cựu ước và Khúc Linh Ca của thánh Gioan Thánh Giá cũng dạy rằng linh hồn tôi chẳng khác nào cô bé được yêu thương. Thế nhưng còn một nỗi giằng co, người phụ nữ trong tôi là một cô bé hay một người đàn bà? Đúng hơn, phải hỏi: Đối với Đấng Chí Thánh, tôi phải là người tình hay là người vợ? Dường như tôi thấy mình bị phân hóa giữa Mácta và Maria, nhưng rồi cuối cùng tôi đã gặp được đáp số nơi đoàn sủng Cát Minh:

Lòng con một tấm chia hai nửa,

Nửa lẳng lơ Kiều, nửa Thuý Vân.

Một giọt máu Ngài rơi chính giữa,

Nối hai bên lại, bỗng trong ngần.

Dịp kỷ niệm 15 năm linh mục, một đàng tôi nghĩ đến 15 năm của cô Kiều nọ nhưng một đàng lại thấy chính tình Chúa yêu thương đã giữ gìn tôi:

Mười lăm năm thấy Chàng về,

Nàng dâng nửa mảnh gương thề trong khăn.

Mười lăm năm vết xe lăn,

Khôn nguôi cầm sắt, khôn ngăn cầm kỳ.

Mười lăm năm ấy nói gì,

Mười lăm năm lại hái quỳ tặng nhau.

Cuối cùng, hai năm sau cái năm thứ mười lăm ấy, “Người Ta” gởi trầu cau tới. Thoạt đầu cứ tưởng là đùa, nhưng không, chuyện thật mới chết! Hơn nữa, ăn lễ hỏi rồi, Người Ta lại cứ để đó mới càng chết hơn! Tôi đến khốn đến khổ vì đã ký vào hợp đồng mà không đặt điều kiện thời gian. Hết đợi lại chờ, hết chờ lại đợi, như cô bé trong bài ca thời danh nọ của cha thánh Gioan Thánh Giá:

Người ẩn nơi nao, hỡi Người Yêu Dấu?

Mà bỏ em rên rỉ!

Như một con nai, Người trốn biệt,

Mặc cho em bị thương,

Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.

(Khúc linh ca, đoản khúc 1)

Thêm vào đó, cô bé trong tôi mù tịt, chẳng biết gì về phía nhà chồng. Trước đó, trong những năm lêu bêu, tôi thường ghé về đan viện Châu Sơn và có khi đã tưởng Chúa chờ tôi ở đó:

Cistercien, Cistercien,

Người là nỗi nhớ không tên phải rồi.

Lòng con, này một chiếc nôi,

À ơi, hãy ngủ yên, Ngôi Cửu Trùng!

Giờ đây tôi càng gần gũi gắn bó với anh em Xitô hơn, bởi tưởng đâu cùng một thuyền một hội. Tôi la cà hết Châu Sơn đến Châu Thủy, rồi Phước Lý, Phước Lộc, Phước Thiên và cả Phước Vĩnh. Một vài môn sinh định theo tôi đã phát hiện ra rằng tôi sáng lập môn phái rồi mới đi học võ…

Có ai sẽ đồng hành không? Có vẻ như mịt mù. Đã có lúc tưởng chừng bỏ cuộc. Thế nhưng rồi năm 1997, trong dịp kỷ niệm 100 năm của chị thánh Têrêxa, Chị đã đưa tôi về Hà Nội, quê hương trong mơ của Chị:

Ta dung dăng dung dẻ

Đưa nhau về Thăng Long.

Chị thật là nhỏ bé,

Em vẫn còn lông bông.

Chị cầm tay, dắt tôi tới một bệnh viện trẻ em, bịt mắt tôi, bắt tôi làm em nhỏ để Người Ta chạy chữa cho tôi một lúc. Khi mở mắt ra, chị đã biến mất. Tôi ngước lên thì thấy nửa nét cong thầm của một mái nhà xưa:

Phố Cát Linh vòng sang Cát Minh

Nhi khoa cấp cứu bước đường tình.

Ra cô tiến sĩ là y sĩ

Cứu chữa cho đời bằng ý kinh.

Để rồi ba năm sau đó, tại tịnh viện Las Palmas của Dòng Cát Minh Tây Ban Nha, tôi đã chuyển được bài thơ nổi tiếng của thánh Gioan Thánh Giá thành lục bát. Ngày xưa còn bé, học giáo lý rước lễ lần đầu, được thưởng cho cỗ áo Đức Bà Núi Cát Minh, mang đến là thích. Đến nay, khi chuyển bài thơ này, tôi mới thực sự được chiêm ngưỡng Đức Mẹ Núi Cát Minh như bản mẫu của một linh hồn lên đường gặp Chúa trong đêm đen của đức tin và tình mến:

Chẳng ai nhìn thấy mẹ đi,

Mẹ nhìn cũng chẳng thấy gì đêm sương.

Chẳng ai dẫn lối đưa đường,

Chỉ duy ánh sáng yêu thương giữa lòng.

Chút sáng giữa lòng đã không phản bội ai và cũng không phản bội tôi. Chút sáng ấy đã dẫn dắt tôi đi, chắc chắn hơn cả ánh sáng chính ngọ.

Giờ đây, khi tôi viết bài này, thì không phải đêm mà là bình minh. Tôi dâng lễ giữa vườn cây xanh um cạnh cát cốc Thánh Giuse tại Tugbok. Trời đã quá nửa mùa thu. Nghĩ đến rừng thu trụi lá bên trời tây mà thấy thương thấy nhớ, nhưng đồng thời nghĩ đến chút sáng trong lòng lại thấy vững tin.

Sáng mai chào mới lạ,

Sương sớm cười long lanh.

Thu, rừng ai trút lá,

Vườn ta sao nguyên xanh?

Tạ ơn Chúa. Thuở rời tập viện Las Palmas (núi Cọ), tôi biết ơn phước Cát Minh đã được đổ xuống lòng mình mà vẫn cảm thấy nó còn đang lạc loài trong tôi như dầu với nước, nhưng giờ đây, có lẽ phép lạ đã xảy ra, nước và dầu đã bắt đầu hòa tan với nhau.

Chúa ơi, có thật sự linh hạnh Cát Minh sẽ đem lại sức sống tươi xanh cho thời đại này? Con biết là thật. Bởi nếu không thì Mẹ thánh Têrêxa Chúa Giêsu đã chẳng được Chúa chữa lành cả tâm hồn và thể xác. Nếu không thì chân phước Mariam Bauourdi, cô bé Ả Rập, đã không phải chịu cảnh liên tục bị tà thần hành hạ! Nếu không thì chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng không cần phải được chữa lành căn bệnh tâm lý vào đêm Giáng Sinh năm 15 tuổi. Phương thuốc đã chữa lành những căn bệnh bất trị ngày xưa ấy cũng đã chữa lành con và cũng sẽ chữa lành những bệnh tật thể xác và tâm linh của con người ngày nay, từ căn bệnh hối hả quay cuồng đến bệnh hưởng thụ, bệnh nuông chiều giác quan cho đến bao nhiêu thứ bệnh không tên khác, kể cả bệnh già.

Đúng, kể cả bệnh già. Hôm sinh nhật thứ năm mươi tư của tôi, một chú em tinh nghịch tặng cho một tờ quảng cáo thuốc nhuộm tóc. Chợt nhớ câu thơ làm năm kia khi đạp xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám:

Chợ đời tàn tạ phù hoa,

Ý đời phơ phất, lòa xòa tóc mai.

Sợi đen ngắn, sợi bạc dài,

Chú em cười tươi:

– Anh nghĩ gì mà bạc hết cả tóc ra thế?

– Không riêng mình, còn nhiều người khác nữa cũng bạc tóc vì mải suy nghĩ tìm cách làm sao giữ cho tóc được xanh luôn.

– Thế anh đã nghĩ ra chưa?

– Mình không nghĩ ra nhưng đã nhớ ra, em mở tủ sách nhà mình mà coi, trong đó có sẵn cả một bộ sách dạy về chuyện ấy rất thần tình. Thì ra cả làng đãng trí chứ chẳng riêng mình.

Đêm nay, ngồi viết lại lá thư tình của cô bé chăn cừu cho kịp gởi chuyến thư ngày mai, tôi chợt hiểu rằng mình sẽ chỉ là anh chàng giúp thiên hạ lôi bộ sách kia ra khỏi tủ. Mà cũng có thể nói, mình là người chèo đò, đợi có khách sang sông, để sẵn dịp chở khách mà theo khách sang bên kia luôn một thể.

Có ai về Cát Minh?

Cho trăng về theo với!

Có ai về Cát Minh?

Thuyền trăng neo bến đợi!

***

Trừ bài thơ mở đầu, những trang trên đây tôi viết dịp kỷ niệm một năm ngày khấn lần đầu trong Dòng Cát Minh về nguồn, tại ẩn cốc Thánh Giuse, Tugbok, Davao City, Philippines, đêm 08-9-2001. Tôi đã ghi ngày tháng và nơi viết ở cuối bài và tưởng là xong. Thế nhưng chú em nọ chưa buông tha. Thay vì quyển toàn tập thánh Gioan Thánh Giá, nó vào tủ sách lấy cho tôi quyển “Suối nguồn tươi trẻ”:

Đây là tuyệt chiêu Tây Tạng dành cho những người trên 50 tuổi, sẽ làm cho tóc anh xanh lại.

Tôi đọc và áp dụng thử một thời gian. Đúng là một phương pháp có thể làm cho tóc nhiều người xanh lại nhưng tóc tôi vẫn cứ bạc thêm. Tôi cất nó vào tủ sách và lại tiếp tục nghiền ngẫm Gioan Thánh Giá.

Đã hơn hai năm. Tuần qua, ngay đêm 30 tết huyết áp tôi xuống chỉ còn 70/50. Tôi được đưa vào phòng cấp cứu, đón giao thừa ở bệnh viện Cardinal Santos, nằm nghe pháo nổ xa xa ở những khu phố Tàu. Người ta làm mấy thứ xét nghiệm khác nhau rồi cho tôi về lúc gần một giờ sáng. Là tu sĩ, tôi vâng lời để đi nhà thương nhưng trong lòng tôi vẫn nghĩ đây chỉ là một trong những khúc quanh cuối trên đường lên đỉnh Cát Minh. Suốt bốn ngày tôi uống thuốc của bác sĩ cho nhưng không còn làm việc được nữa. Ngày thứ năm, tôi thức dậy lúc hai giờ rưỡi, đấu tranh vật vã suốt hai giờ liền và rồi tôi đã tìm ra. Tôi thấy mình khỏe hẳn, làm việc lại bình thường và đem niềm vui đến cho mọi người. Hôm ấy là mồng năm tết Giáp Thân, 2004. Tôi gọi chú em lại, cười toe:

– Ê, mình lại sai nữa rồi! Quyển sách nhà không dạy cách làm cho tóc đen lại nhưng nó bảo rằng cả tóc đen và tóc trắng đều đẹp.

Chú em mỉm cười đáp lại:

– Có chắc lần này anh hiểu đúng chưa đó?

 

Học viện thánh Gioan Thánh Giá

Manila, mồng sáu Tết Giáp Thân, 27-1-2004

TRĂNG THẬP TỰ

Cát đệ về nguồn

 _____________________________________

Imprimatur:

Nha Trang, ngày... tháng... năm 2005
Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Giám Mục giáo phận Nha Trang

© Bản quyền giới hạn: Vì mục đích tông đồ, giáo dục hoặc thông tin, có thể trích dịch hoặc in lại không cần xin phép, còn nếu vì mục đích thương mại, cần có sự đồng ý của Dòng nam Cát Minh Việt Nam.

 
setstats