CON MÈO MẮT VÀNG

ConMeo

 

 

 

 

Như một lời chúc mừng năm mới, báo Paris Match (7-1-1999) đăng truyện ngắn “độc ác” này của nhà văn nữ người Pháp Anne Wiajemsky. Bà đã đoạt giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp với tác phẩm Một nhúm người (NXB Gallimard). Theo Paris Match, đọc truyện này là một cách đi vào năm Kỷ Mão (1999) bằng những bước chân nhung nhẹ nhàng nhưng dũng cảm.

 

 

-Bố có quà cho các khỉ con đây.

Các “khỉ con” đang cắm cúi ăn vội ngẩng đầu ngạc nhiên nhìn bố đi vào mà không hề biết trước. Đứng ngay trước mặt chúng, ông hẳn đã băng qua vườn và thẳng vào trong bếp, nơi hai đứa con ông đang lặng lẽ ngồi ăn. Sự xuất hiện của ông vào thời khắc cuối ngày như thế này là khác thường: thường ông đi làm về trễ hơn nhiều và các con chỉ gặp ông vào sáng hôm sau, lúc chúng chuẩn bị đi học.

- Các con không đoán ra ư?

Rồi, như bực bội vì sự im lặng này:

- Nào Roséliane ! Nào Dimitri !

Roséliane là đứa đầu tiên phản ứng.

- Cho con ư?

- Mà sao lại cho chị nhỉ?

Dimitri nhảy vào trận chiến.

- Của con chứ bố?

Roséliane lấy lòng bố bằng nụ cười duyên dáng mà cô nhận biết sức mạnh của nó gần đây. Hoài công thôi!

- Quà cho cả bốn người chúng ta, cho cả nhà.

Lúc này, ông vừa chợt nhận ra không có mẹ chúng ở đây.

- Mẹ hâm cơm tối cho chúng con rồi ra ngoài dạo chơi rồi – Roséliane nói với giọng rành rẽ.

- Mẹ ra bờ hồ, nơi có một bãi trống – Dimitri nói thêm quyết không để chị lấn sân.

Cha chúng bước đến cái cửa sổ ngó ra vườn. Vợ ông đi đâu nhỉ?

Bọn trẻ biết rõ mẹ mình thích nằm dài trên bãi ở hồ nhỏ vào muà này để ngắm những ngọn núi xa xa, những cánh buồm lướt nhẹ trên mặt nước và ngắm nhìn một ngày sắp qua.

- Quà của bố ăn được không? Dimitri hỏi.

Người cha rời khung cửa sổ, quay lại nhà bếp. Tay phải ông đang cố nới lỏng nút cà vạt. Sự vụng về của ông khiến Roséliane tự hỏi sao bố không dùng cả tay trái. Cô bé chợt nhận ra là từ lúc vào nhà đến giờ bố cứ đút tay trái trong túi áo vét.

- Không. À ăn được chứ – ông nói với vẻ hài lòng của người vừa nói đuà xong.

Bỗng nhiên có tiếng chân chạy lon ton trên sân sỏi, trước nhà bếp. Một con chó bông phóng vào phòng. Nó khựng lại, sủa ngậu xị khiến bọn trẻ nhảy cỡn lên vì sợ hãi. Con chó Youri cứ nhảy mừng cha chúng liên hồi bất tận như là cả một lễ hội với những bước nhảy nhót mơn trớn, tiếng gầm gừ hân hoan, những lời yêu thương bằng đủ thứ tiếng Pháp, Anh và cả tiếng Nga nữa.Youri là con chó được cha chúng cưng nhất, bọn trẻ biết và chấp nhận điều ấy. Là quà tặng lễ cưới của bố mẹ, con chó chẳng đã có mặt trong cuộc đời bố mẹ trước cả hai đứa đó sao?

Bố nói giọng châm chọc:

- Youri thông minh hơn hai con đấy. Bố luôn nghĩ thế và bây giờ thì đã có bằng chứng rồi. Nó chỉ cần hai giây là đoán được bố đem quà gì về cho các con rồi.

Tựa như một nhà ảo thuật kéo con chim bồ câu từ trong mũ ra, cuối cùng bố lôi từ túi áo trái ra một cục lông và đặt lên bàn , giữa ly đĩa.

- Bố tìm thấy nó bên đường…

Cục lông phồng lớn, đứng thẳng lên trên những cái chân thon dài và thành một con mèo cái dễ thương, lông vằn mượt. Nó chùi ngay cái mũi nhung vào các ngón tay còn ngần ngại của bọn trẻ. Đôi mắt mèo màu vàng rực, đôi mắt to dần tin tưởng với cái thế giới mới sắp là của nó. Không có gì làm nó sợ hãi cả, những đứa trẻ bỗng rụt rè, cả tiếng sủa bực bội của con chó, cả lời nhắc nhở ổn định của ông chủ. Mèo rón rén từng bước cho đến khi đầu nó chạm vào bàn tay đưa ra của Roséliane. Tiếng gầm gừ của nó đều đặn, liên tục vang to so với thân hình bé nhỏ của nó như tiếng ro ro của bếp sưởi đêm đông lạnh lẽo nhất. Đầu nó cọ vào lòng bàn tay của Roséliane như nài nỉ, và cuối cùng cô bé đã dám vuốt ve nó.

Cả ba người cố đặt nhiều tên cho thành viên mới này nhưng không có cái tên nào phù hợp. Nếu dáng vẻ qúy phái của nó loại bỏ những cái tên như Minou hoặc Minette thì tên người lại càng không hợp chút nào. Cuối cùng nó mang tên “Con mèo mắt vàng”. Và với cái tên này, những ai biết con mèo này đều vẫn nhớ mãi.

Nhưng chúng ta hãy trở lại cuối những năm 50, ở miền quê Thụy Sĩ, bên bờ hồ Genève, với một bé gái và một bé trai luôn mê thích con mèo mắt vàng.

Không phải chỉ có chúng mê con mèo đâu. Con mèo thật dễ thương. Hiền lành , thích nô đuà, vui tính và độc lập, nó làm cho người ta tin là nó luôn như thế. Nó ngoại giao hay đến nỗi chinh phục được cả chó Youri, vốn luôn quấy rầy mọi con mèo trong làng.

Bất ngờ đến nhà vào một tối tháng sáu, con mèo như báo tin một muà hè đặc biệt.

Bố mẹ của Roséliane và Dimitri bắt đầu tổ chức các bữa tối vui cuối tuần. Mỗi thứ bảy, hàng lô bạn bè nam nữ ở tuổi ba mươi, thường là người nước ngoài, đến nhà họ chơi. Họ đấu bóng chuyền, picnic trong vườn, nhảy múa đến tận khuya. Lũ trẻ cứ ngất ngây theo niềm vui sướng của người lớn, không còn biết làm gì hơn. Và khi người ta bảo đi ngủ thì chúng lịm đi trên nền nhạc rumba, chachacha và nhạc tình.

Con mèo mắt vàng đôi khi đi theo bọn trẻ, đôi khi cuộn mình trên giường chờ chúng vào. Nếu nó vắng mặt lúc điểm danh thì y như rằng nó sẽ đến vào ban đêm. Nó leo lên cây anh đào, nhảy qua cửa sổ để hở cho nó và đáp nhẹ bên gối của Roséliane. Tiếng nó gừ gừ đánh thức Roséliane dậy và cô bé vùi đầu vào bộ lông mềm và thơm của nó. Cô bé thích thú hít hà: con mèo có hương thơm bạc hà, cỏ đồng nội, cà chua xanh, trúc đào và nhiều mùi hương kỳ diệu không sao nhận ra được. Rồi tiếng gừ gừ dịu dần khi mèo kề miệng vào nơi nào đó trên cổ, giữa tai và vai cô bé, và cả hai cùng ngủ ngon.

Tháng ngày trôi qua, nhè nhẹ, hạnh phúc. Muà thu ấm và rực nắng. Những ngày vui tiếp diễn vào tối thứ bảy trong vườn. Khi cái se lạnh đầu tiên đến, người ta rút vào nhà.

Pauline, mẹ của Roséliane và Dimitri, bỏ thói quen đi dạo một mình để mơ màng bên hồ. Bà ở nhà nhiều hơn, đọc sách, đan áo, nghe nhạc. Con mèo theo bà khắp nơi với vẻ kín đáo, ân cần và dịu dàng. Bà sung sướng có con mèo bên mình khi con cái đi vắng. Bà thổ lộ với bạn bè: “Đây là một người bạn tuyệt vời”.

Khi gia đình đông đủ, con mèo san sẻ sự bình đẳng của nó bằng cách lần lượt đến với từng người, làm cho ai cũng nghĩ mình được nó thương nhiều nhất. Sự có mặt của nó có khả năng làm dịu mọi ngờ vực, rút ngắn bớt những tình huống căng thẳng khó chịu, làm nguôi ngoai những buồn bực vặt vãnh mà đôi khi làm người ta hoài phí cả một ngày. Mọi việc xem ra tuyệt vời, êm đềm mà đơn giản.

Cả trong làng ai cũng mến con mèo nhờ đôi mắt vàng và sự dễ thương của nó. Nó tự do đi từ vườn nhà này sang vườn nhàkhác, được người này vuốt ve, người kia cho uống sữa. Bà hàng xóm luôn miệng nói: Một con mèo bị bỏ rơi, thế mà giờ dễ gần gũi biết bao!.

Đôi khi con mèo lê la đến tận bìa làng, băng qua các cánh đồng, chắc là về phía rừng thông. Nhưng những chuyến đi này không kéo dài và bọn trẻ không lo lắng gì. Dimitri nói: “Nó rất lanh nên khó bị xe cán hoặc bị người ta bắt. Nó thương chúng tôi lắm nên thế nào cũng quay về”.

Ngày nọ, người ta thấy nó khệ nệ với cái bụng bỗng to tròn. Một người nhận xét: “Nó có bầu rồi”. Qủa thực, nó sinh được sáu chú mèo con ở chỗ khuất dưới gầm tủ tối và đầy bụi, tránh xa mọi người. Việc nó chọn nơi sinh con này làm mọi người xúc động. Bà Pauline đi Genève mua một cái giỏ lớn có nhiều gối đệm nhỏ. Con mèo và gia đình của nó được đưa vào chỗ ấm áp trong nhà bếp.

Hai đứa trẻ mỗi khi tan học về cứ nô đuà bên cạnh bầy mèo. Chúng cười vui khi thấy những chú mèo con sạch sẽ, mập ú giẫm lên nhau để giành vú mẹ. Mẹ mèo bảo ban chăm chút từng đứa, không để đứa nào bị thiệt thòi. Sự khoan dung và biết xử sự của nó khiến cả nhà đều thán phục.

Khi những chú mèo con được ba tháng tuổi và lấy cả nhà làm sân chơi, làm anh chó Youri thiệt thòi, bố quyết định đem mèo con cho người khác. Bạn bè ông đều đã đăng ký xin. Lần lượt các chú mèo con về nhà chủ mới. Hai đứa trẻ buồn, khóc đôi chút rồi lại vui. Mèo mẹ lại qua đêm bên vai Roséliane, còn buổi sáng và buổi chiều nó lẽo đẽo theo bà Pauline. Con mèo sống hạnh phúc như là nó tìm thấy gia đình thật của mình, một khi việc làm mẹ đã hoàn thành.

Cuối muà xuân, người ta mừng một năm ngày nó có mặt trong nhà. Vào một đêm muà hè, những tiếng la lớn đã đánh thức Roséliane dậy: cha mẹ cô cãi nhau dữ dội, nhưng cô không hiểu họ cãi nhau chuyện gì và cô vội quên. Vào muà thu, con mèo lại mang thai. Gặp lúc cả nhà đang lộn tùng phèo một cách khó hiểu nên chẳng ai chú ý nó như lúc đầu nữa.

Một sáng kia bà Pauline cho gọi hai con lại. Vẻ buồn bã và dáng dấp nghiêm trang của bà dự báo một điều chẳng vui. Với giọng uể oải, bà giải thích là bố của hai trẻ vừa được bổ nhiệm làm việc tại Vênêduêla, ông sẽ lên đường trong hai tuần nữa, còn bà sẽ ở nán lại để chuẩn bị đồ đạc.

Dimitri ngắt lời:

- Thế còn chúng con?

- Hai con ở lại với mẹ. Chúng ta sẽ gặp bố sau.

Bà cố gượng cười:

- Các con giúp mẹ chuẩn bị hành lý, vali, đồ đạc. Nhiều lắm đó.

Đến lúc này Roséliane mới hiểu điều này có nghĩa là gì.

- Nghĩa là chúng ta rời Thụy Sĩ! Cả nhà hở mẹ?

- Phải.

- Mãi mãi ư?

- Mãi mãi.

Sự lo sợ của cô không lọt khỏi mắt mẹ. Bà ôm con hôn vào má, vào trán cô: “Mẹ cũng vậy, mẹ rất buồn, mẹ thích ngôi nhà mình, khu vườn của mình lắm”. Rồi, như xấu hổ vì đã thốt ra điều tâm sự này, bà vội tiếp:

- Đó là một thế giới mới, một cuộc mạo hiểm lý thú. Bố đi qua đó bằng phi cơ, còn mẹ con mình sẽ đi bằng tàu thủy.

- Vênêduêla ở đâu vậy mẹ? Pauline mở tập sách bản đồ. Bàn tay xinh với những ngón tay được chăm sóc kỹ của bà vẽ ra lộ trình của chuyến đi sắp tới trên bản đồ thế giới.

Trong lúc bà nói, con mèo đã rón rén vào phòng. Đã sắp đến ngày sinh nở, nó kéo lê cái bụng bầu một cách khó nhọc. Roséliane bồng nó lên đặt trên giường cùng với cô. Con mèo nhíu đôi mắt vàng tỏ vẻ biết ơn và tiếng gừ gừ của nó làm rộn cả căn phòng. Pauline ngừng nói và gập ngay sách lại. Roséliane tưởng chừng như mẹ mình bỗng có vẻ tội lỗi nào đó. Nhưng tội lỗi gì mới được chứ?

Tội lỗi vì đã nhượng bộ trước những lý do đa dạng, hẳn là có cơ sở và hợp lý, những lý do mà ở thế giới khác người ta sẽ gọi là “bí mật quốc gia”. Tội lỗi vì đã không đấu tranh chống lại chính mình. Tội lỗi vì đã chấp nhận cách ly con mèo mắt vàng. Ồ, bà đã làm hết sức mình để sửa chữa lỗi lầm lớn này rồi. Vic, người bạn thân của bà, có tiếng là yêu thích thú vật, sẽ nhận nuôi con mèo. Bà Vic sống ở một nơi cách đây 70 km, gần bờ hồ Léman bên phía nước Pháp.

Khi nghe được sự thật, Roséliane bật khóc. Cô nằm vật xuống sàn la hét thảm thiết cứ như muốn đập đầu vào tường, vào sàn nhà. Bà Pauline hoảng hốt gọi chồng về nhà ngay. Từ văn phòng về nhà, nghe tiếng con gái kêu khóc, ông bực mình mất kiên nhẫn và lần đầu tiên trong đời ông tát vào mặt con. Rồi như không biết làm gì hơn để cho con thôi khóc ông lôi cô vào phòng, đóng sầm cửa lại.

Roséliane cứ thút thít mãi cho đến khi mệt lử, và bóng tối phủ xuống căn phòng. Bỗng vang lên tiếng một cành cây anh đào bị gãy rồi tiếng chân cào cấu trên bờ thành cửa sổ: con mèo đã ở trong phòng, bỏ lại bốn mèo con mới mấy tuần tuổi. Nó đưa cái lưỡi nóng hổi nham nhám liếm khuôn mặt phị còn đẫm nước mắt, cổ và tay cô bé thật lâu. Khi cô thiếp đi, con mèo rời phòng, về nhà bếp, nơi đàn con của nó đang đói kêu meo meo tìm mẹ.

Những tuần lễ cuối cùng tại Thụy Sĩ trôi qua trong không khí buồn bã. Bà Pauline bận bịu bên đóng vali và thùng hàng. Đôi khi nản lòng, bà một mình lặng lẽ đến bên bờ hồ. Còn hai đứa trẻ đã nghỉ học cứ lang thang khắp nơi buồn bã và lo âu, nhất là Roséliane cứ như đau đớn. Xa con mèo với cô là đối xử bất công với nó. Vì con mèo không được đi với gia đình cô như con chó Youri.

Thái độ của con mèo càng khiến cả nhà như xé gan xé ruột thêm. Nó có biết điều gì sắp xảy ra không? Không thể nói được. Con mèo vẫn dịu dàng, chăm lo nuôi đàn con. Cho đến khi tính khí nó đột nhiên thay đổi.

Thay vì nằm ở cái giỏ dành riêng cho mình, nó thích nằm cạnh các vali hành lý. Bà Pauline đã đưa nó về bếp nhiều lần nhưng vô ích. Khi bà quay bước, nó lại về bên đóng vali. Nó nhẫn nại tha từng đứa con đi, đặt chúng trong rơm và nằm cạnh để chăm sóc. Sự bướng bỉnh của nó khiến Roséliane bàng hoàng. Dường như nó muốn bộc lộ những ý định thầm kín của nó: “Các người không bỏ rơi tôi được đâu… Tôi sẽ đi với các người…Cần thì sẽ đi lậu”. Rồi như để khẳng định ý định đó, nó đưa đôi mắt vàng tuyệt đẹp đầy yêu thương và lòng biết ơn nhìn cô bé. Đầy tự tin.

Và cũng đầy tự tin, khi bà Pauline bỏ con mèo và lũ con của nó vào cái giỏ đặt sau thùng xe. Trong suốt đường đi mèo chỉ lặng lẽ. Còn lũ mèo con thì kêu meo meo thật khẽ.

Roséliane ngồi bên cái giỏ, cố cầm nước mắt, buồn lặng lẽ. Dimitri cũng ngồi lặng lẽ. Bà Pauline:

- Đừng có như đưa đám như thế các con. Mèo mẹ sẽ đến sống thoải mái cùng mèo con ở nhà bà Vic thôi. Chúng sẽ có cả cái sân rộng để chơi và săn mồi. Ở đó tốt hơn ở nhà mình nhiều. Còn mèo mẹ sẽ làm lại cuộc đời mới…Nó thích nghi rất mau, các con nhớ khi nó mới đến nhà mình mà xem. Nó rất quân bình và dễ hòa đồng thôi. Đó là con mèo dễ thương nhất. Bà Vic biết rõ nó và thương nó nhiều. Các con có nghe mẹ nói không?

Bên ngoài, mưa nhẹ dai dẳng làm phong cảnh nhòe nhoẹt, khó nhận ra nước hồ cùng những cây tiêu phân cách bờ hồ với con đường. Bầu trời thấp và sầm tối, u ám như ngày tận thế.

Có nên kể thật những gì đã xảy ra cho con mèo mắt vàng không? Có cần một đoạn kết của truyện này không nhỉ? Những ai từng biết con mèo cho là nên kể lại. Đó là cách trả lại công lý cho nó. Bởi lẽ bà Pauline đã lầm: đây qủa là một thảm kịch.

Sợ mèo mẹ và đám con đi lạc lõng trong ngôi nhà lạ, bà Vic nhốt chúng trong phòng tắm ở tầng một. Ban đêm bà như nghe một tiếng kính vỡ loảng xoảng chợt vang lên. Nhưng phòng bà ở xa nên bà chẳng hiểu là từ đâu cả.

Sáng hôm sau, một khung cảnh hãi hùng chờ đợi bà. Những chú mèo con bò lang thang khắp nhà tắm, giữa đống kính vỡ và kêu đói đòi mẹ. Máu dính ở cửa sổ. Để chạy thoát, mèo mẹ đã dùng hết sức mình phóng vào ô cửa sổ. Đến độ kính dày phải vỡ toang. Rồi mèo nhảy vào khoảng không. Người ta tìm thấy vết máu trên thân cây hồ đào, cả phía truớc nhà, trên nền các lối đi và ở cửa chính. Dấu máu dừng lại ở chỗ bắt đầu đường quốc lộ. Bà Vic nhờ người truy tìm khắp nơi trong một bán kính 10 km, dán apphich ở các tiệm buôn, đăng cả lên báo hình dạng con mèo với lời hứa sẽ hậu tạ xứng đáng.

Nhiều tuần lễ trôi qua, ai cũng đinh ninh điều xấu nhất đã xảy ra. Một xe hơi đã cán chết nó, hoặc nó đã chết xó nơi nào đó vì thương tích. Đôi khi có một chút hi vọng chợt lóe: ai đó đã tìm được, chăm sóc và yêu mến nó rồi. Nó rất dễ mến, ai mà chẳng cứu giúp và nhận nuôi nó.

Một ngày nọ, bà Vic nhận được tin từ ngôi làng mà gia đình Pauline đã sống. Một người hàng xóm đã tìm thấy xác con mèo trên cửa ngôi nhà. Con mèo gầy guộc, bẩn thỉu, không sao nhận ra ngay. Khi nhìn kỹ bà mới biết đó là con mèo mắt vàng.

Trong bốn mươi ngày, con mèo đầy thương tích đã vượt qua 70 km đường dài giữa hai ngôi nhà để đến chết trước ngôi nhà mà nó xem là nhà của nó. Kiệt sức và vì đói. Cả vì nỗi thất vọng khi nó hiểu ra rằng ngôi nhà đã không còn ai, nó đã đi cả chặng đường dài mà không được gì cả: người ta đã bỏ rơi nó.

  ANNE WIAJEMSKY

 

Nguyễn Trọng Đa dịch
(dịch theo Paris Match )

 


 

 

Xem các bài viết khác trong Anh Nguyễn Trọng Đa.