Câu Chuyện Phụng Vụ (4)

Wedding Ring

 


Chủ nhật 3 muà vọng là chủ nhật ‘Gaudete’ (hãy vui lên). Những ngày Giáng sinh này, chúng ta cũng thường chúc nhau ‘Merry Christmas and Happy New Year’. Tôi xin được phép đề cập tới niềm vui những người con của Chúa.

Người ta thường bông đùa đố nhau thế này: 1.- Làm sao đi qua một nhà thờ mà biết được của Tin lành hay Công giáo? - trả lời: nếu thấy thiên hạ cười nói tíu tít ở sân đậu xe, đó là Tin lành, còn nếu thiên hạ chạy vội vào nhà thờ, đó là Công giáo. 2.- Làm sao khi vào nhà thờ mà biết được Công giáo hay Tin lành, vì ở Mỹ này, nhiều nhà thờ Công giáo không còn ảnh tượng nữa, và khoảng một thời gian ít năm trước, vào nhà thờ tìm mãi cũng không thấy nhà chầu Mình Thánh Chúa? - trả lời: nếu vào nhà thờ mà thấy yên lặng không khí trang nghiêm thì đó là Công giáo, còn nếu trước khi vào, có nơi rộng rãi để thiên hạ chào đón nhau, đó là Tin lành.

Nghe vậy mà lòng cảm thấy xót xa. Nếu thực sự chúng ta tự hào mình là con Chúa, là anh chị em với nhau, chả nhẽ không một tiếng thân thưa chào hỏi nhau được sao? Và dù không có tiếng nói cử chỉ bên ngoài như ‘hug’ (ôm chào), xin hãy tự hỏi lòng mình xem có vui hay buồn.

Nghi thức đầu tiên của Thánh lễ là lời chào mừng của chủ tế đối với cộng đoàn dân Chúa, không phải nhân danh cá nhân hoặc phe nhóm nào, nhưng nhân danh Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần. Thiết nghĩ, để cảm nhận trọn vẹn tình yêu và hiện diện của Chúa, chúng ta cũng hãy niềm nở chào đón nhau, ít là bằng tâm tình cảm nghĩ. Không phài vô lý khi có khuynh hướng của một số nhà phụng vụ muốn di chuyển lời chúc bình an sau kinh Lạy Cha và trước Rước lễ vào phần mở đầu này. Nhưng cũng có một lạm dụng phụng vụ trong một số nơi dịp lễ đặc biệt như an táng, hôn phối, đó là lời hướng dẫn viên: “Xin kính mời . . . đứng lên để đón chào Cha chủ tế, các cha đồng tế và . . .” thực ra trong những lần rước như thế, mọi người, kể cả chủ tế, đều đón chào tung hô mà rước vinh quang của Chúa và của chúng ta là Thập giá, và cung nghinh tôn vinh Lời Chúa. Đó là ý nghĩa của việc Thánh giá nến cao bao giờ cũng đi đầu, và việc nâng cao sách Phúc âm.

Làm sao để có niềm vui khi tới tham dự Thánh lễ?

Trong những dịp giảng tĩnh tâm giáo xứ hoặc cộng đoàn, tôi thường đề nghị mỗi gia đình hãy cố gắng làm ‘giờ thánh’. Đó là giờ phút từ nhà tới nhà thờ và từ nhà thờ về nhà. Hãy dẹp bỏ sách báo, CD, cassette, cell phones, radio v.v... Với nguồn tài liệu phong phú trên internet, hãy chuẩn bị học hỏi bài đọc, thánh ca, suy niệm trên đường đi tới, và trên đường đi về, hãy chia sẻ cho nhau nghe những gì mới thu nhận. Xin đừng dùng thời giờ đó để phê bình chỉ trích như câu chuyện nhỏ sau đây. Trên đường từ nhà thờ đi về nhà, người cha chê ông cha giảng dở, người mẹ chê ca đoàn hát không hay, mấy anh chị cũng khó chịu với các chú giúp lễ không trang nghiêm. Bỗng dưng em bé nói: “Như vậy là quá rẻ rồi! Mình đi hát tốn cả mấy chục mới hay được, chứ cả gia đình mà chỉ bỏ một đồng vào thì làm sao có ‘show’ hay đây?

Nếu không có gì để chia sẻ thì làm sao đây? Xin giữ yên lặng thánh ‘sactifying silence’. Chúng ta nói khá nhiều. Ở Hoa kỳ này ồn ào náo động khá nhiều. Ai cũng cần thinh lặng suy tư chiêm niệm. Có linh mục nói: “Hôm nay tôi chưa cầu nguyện, nên tôi sẽ không giảng thuyết, rồi xin mọi người thinh lặng suy niệm.” Thà như vậy.

Đức Ki-tô giáng sinh trong đêm tối thinh lặng, trong khi các Thiên thần trên trời ca hát hỉ hoan. Đức Ki-tô, dù là Con Thượng Đế thuợng trí vô song, khôn ngoan vượt bực, cũng muốn lắng nghe học hỏi từ cha mẹ trong 30 năm.

Merry Christmas and Happy New Year! Joyeux Noel et Bonne Année! Xin kính chúc mỗi người một lễ Giáng sinh an vui trong Chúa, hạnh phúc trong tình yêu của Người.

L.m. Anthony Vũ Hùng Tôn
vuhungton@hotmail.com
281-458-4558.

 


 

Xem các bài viết khác trong Anthony Vũ Hùng Tôn.