Câu Chuyện Phụng Vụ (7)

Wedding Ring

 


Qua nhiều năm hoạt động với Phụng vụ và Thánh nhạc, tôi lấy làm lạ không hiểu tại sao đi đâu cũng thấy ca trưởng ca đoàn hỏi xem có bài hát nào mới không, và cách riêng cá nhân tôi có sáng tác được bài nào mới không để họ hát. Vậy thì tại sao lại cần phải có bài mới? Ngẫm nghĩ một hồi, tôi nhớ lại hình như có tài liệu nào đó phỏng đoán Việt Nam ta đã có chừng trên dưới một trăm ngàn bài hát đời, và có lẽ số bài hát đạo cũng không thua bao nhiêu. Nhiều bài hát như vậy mà sao còn có nhạc sĩ phải ‘thuổng’ bài của người khác rồi đề tên mình vào. Thật là kỳ lạ!

Nhìn vào lịch sử âm nhạc, những bài giá trị là những bài cổ điển lâu đời được truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trường hợp rõ ràng nhất là nhạc bình ca. Nguồn gốc khởi đi từ dân ca các sắc dân Hy-lạp, trải qua văn minh La-mã, rồi Giáo hội công giáo La-mã nhìn nhận là chính thức thánh nhạc trong phụng vụ. Một thời gian với nhạc cổ điển, nhạc thời trang, nhạc kích động đủ loại, người ta tưởng chừng không ai tha thiết tới nhạc bình ca nữa. Biến cố bất ngờ xẩy đến khi một nhóm tu sĩ Tây Ban Nha thu âm để làm kỷ niệm những bản thánh ca được ưa chuộng, nhạc bình ca ảnh hưởng trở lại, và còn nhiều hơn trước. Thậm chí ngay cả những trung tâm tư vấn tâm lý và tâm lý trị liệu đã dùng nhạc bình ca để giúp thân chủ và bệnh nhân thư giãn thoải mái. Hiện thời nhạc bình ca là môn giảng dạy bắt buộc phải có trong các văn bằng âm nhạc đại học tại Hoa kỳ

Nhắc tới chi tiết nhỏ mọn đó để trả lời cho những ai thích đòi hỏi hơi nhiều. Thực ra nhạc thánh ca Việt Nam tương đối còn quá trẻ tuổi, và thành thực mà nói các nhạc sĩ Việt Nam cũng còn hơi ‘trẻ người non dạ’, hình như chưa có cơ hội phát triển tài năng thiên phú, chưa được cơ may học hỏi nhiều về phụng vụ và thánh nhạc.

Nhiều nhạc sĩ sáng tác vẫn có mặc cảm sợ sáng tác không đúng tôn chỉ đạo giáo, không đạt tới kỹ thuật âm nhạc, hoặc sợ ‘cha sở nạt nộ’ làm khó dễ không cho hát. Và một vấn đề khá tế nhị là ‘imprimatur’.

Khi đi đây đó, không nhiều thí ít người đã phàn nàn rằng họ phải hát sáng tác của nhạc sĩ này mà không được hát của nhạc sĩ khác, theo lệnh trên. Tôi không hiểu lệnh đó phát xuất từ đâu. Nhưng đồng thời tôi cũng tiếp xúc với khá nhiều ca đoàn và ca trưởng, nên xin đưa ra một nhận xét nho nhỏ như sau: hình như mỗi ca đoàn mỗi ca trưởng có một số bài tủ, và coi đó là gia bảo của mình để hát lễ cưới lễ giỗ mới ăn tiền. Ít nơi ít người chịu khó khai thác kho tàng thánh nhạc thật phong phú. Họ lấy cớ không có giờ. Tôi thu thập được chừng 30 tuyển tập thánh ca, và có lẽ 70% là những bài giống nhau.

Tôi xin đề nghị: 1.- Khi chọn bài, không nên chọn 2 bài của cùng một tác giả trong một lần hát.

Khi tham dự lễ phong chức tại một địa phận Việt Nam, có người thắc mắc tại sao chọn 4 trong 6 bài của cùng một tác giả, thì được trả lời ‘vì nhiều người quen thuộc’.

Nhưng quen có thể là vì hát nhiều, có thể vì lười không chịu tập, hoặc một lý do nào đó. Dĩ nhiên nếu vì mị dân, không chịu tập những bài hát khác thì làm sao dân quen được?

2.- Nên thay đổi các bộ lễ. Ít ra hiện thời cũng có chừng 10 bộ lễ tiếng Việt: hát đi hát lại một bộ lễ dễ tạo nên sự nhàm chán coi thường mất ý nghĩa.

Cụ thể là trước công đồng Vaticanô II, lễ mồ nào cũng hát Requiem: bộ lễ viết cung 6 gần giống như âm giai Fa Trưởng, vậy mà đâu có thấy ai khen hát vui tươi phấn khởi? cũng chỉ vì mấy người quen quá hoá nhàm.

Khi phụ trách ca đoàn Xuân Tâm, tôi cho in một tập các bộ lễ quen thuộc, và chỉ định mỗi mùa hát một bộ lễ để thay đổi bầu khí cầu nguyện.

3.- Riêng những câu Alleluia và Amen: hình như chúng ta chưa thấu hiểu ý nghĩa trong phụng vụ, và vì quanh đi quẩn lại chỉ đọc hoặc hát cho xong chuyện, nên mất ý nghĩa khá nhiều. Thông thường, nên có một người quản ca lĩnh xướng, kêu mời mọi người cùng ca ngợi Chúa (Alleluia), hoặc đồng ý như lời cầu (Amen) rồi cộng đoàn mới cùng đáp cùng hát. Dĩ nhiên vì ca đoàn thường chọn mấy câu Alleluia hoặc Amen quá quen thuộc, nên vừa xướng lên đã có người hát nhái theo. Cũng cần phải nhắc nhở ý thức cộng đoàn.

Tôi viết những dòng chữ này cách đột xuất, nên chưa hẳn đã trọn vẹn suy tư cảm nghĩ. Xin quý bạn góp ý để tất cả chúng ta cùng phụng sự Chúa và phục vụ cộng đoàn dân Chúa.

L.m. Anthony Vũ Hùng Tôn
vuhungton@hotmail.com
281-458-4558.

 


 

Xem các bài viết khác trong Anthony Vũ Hùng Tôn.