Bên lề Thánh nhạc (1)

Choir

 


Theo tinh thần sống đạo của Hội Thánh Công giáo, Phụng vụ là khi cộng đồng cùng thờ phượng tôn vinh Thượng Đế, ca hát ngợi khen qua những hình thức biểu lộ của loài người và qua những qui ước văn hoá.

Trong phụng vụ có: a.) môi trường nơi chốn thích hợp xứng đáng, b.) lời nói ngôn từ truyền thông, c.) bộ điệu cử chỉ diễn xuất , d.) điệu hát cung đàn minh hoạ, e.) và dĩ nhiên sự tham dự đóng góp tích cực của cộng đồng qua nhiều phận vụ đặc biệt và cá biệt. Nhắc nhở sơ qua như vậy để chúng ta ý thức được phần đóng góp của mỗi người và nhiều người.

Như vậy Thánh nhạc có chỗ đứng trong phụng vụ, nhưng chưa là tất cả phụng vụ. Lời đọc bài giảng cũng chưa là tất cả. Ngay việc truyền phép tuy là chính yếu cốt lõi của phụng vụ Thánh thể, nhưng cũng chưa phải là tất cả.

Xin đừng lầm tưởng rằng chỉ khi nào có ca hát, thánh lễ mới long trọng sốt sắng. Nếu ca hát không đúng kỹ thuật tối thiểu, nếu tuyên giảng qua hệ thống âm thanh không nghe được, chưa chắc đã là phụng vụ thánh nhạc.

Vậy Thánh nhạc là gì?

Nhìn qua lịch sử phụng vụ và thánh nhạc, chúng ta ghi nhận được rằng ngay trong Cựu ước đã có ca hát nhẩy múa trong việc thờ phượng. Tân ước cũng ghi nhận khá nhiều lời khuyên, đặc biệt là từ Thánh Phao-lô, nên dùng lời ca tiếng hát mà ngợi khen Thiên Chúa. Không hiểu sao bẵng đi một thời gian, âm nhạc không có chỗ đứng trong phụng vụ. Có lẽ trong thời kỳ bị bách hại, yên lặng là vàng khi mà Lời Chúa chỉ được truyền khẩu một cách kín đáo cẩn mật.

Chúng ta phải đợi tới thời Thánh Am-brô-si-ô, Thánh Âu-tinh và đặc biệt Thánh Grê-go-ri-ô cả mới nhận thấy ca hát được sát nhập và trở thành phần đóng góp quan trọng trong phụng vụ. Với Thánh giáo hoàng Grê-go-ri-ô (thế kỷ VI) là cả một phong trào xây dựng phụng vụ qua tiếng hát mà nay chúng ta gọi là ‘bình ca’ (plain or Gregorian chant). Thực ra Thánh Grê-go-ri-ô chỉ mặc áo rửa tội cho những giai điệu bình dân Hy-lạp đương thời và các tài trí nhạc sĩ các thế hệ sau làm phát triển tăng tiến lên mãi. Như vậy các thế hệ sau này gọi đó là ‘thánh nhạc’ vì sao đây?

Theo nhận định của cá nhân, gọi là thánh nhạc không phải vì nguồn gốc thánh thiện từ trên trời rớt xuống, nhưng là vì công dụng thánh nhạc là được sử dụng vào việc thánh, với mục đích làm cho nên thánh. Như vậy nếu như những giai hưởng âm điệu cũng có thể được sử dụng vào việc thánh, cũng với mục đích cho nên thánh, có thể được gọi là thánh nhạc không đây?

Ở Việt nam khoảng thập niên 60, ca đoàn Alleluia của Dòng Chúa Cứu Thế - Đàlạt khởi đầu mới loại nhạc ‘Vào đời’, theo các điệu vũ nhạc Jazz, cũng như các nhóm Folk Groups ở Hoa Kỳ hoặc Jazz Ensembles, đã kêu gọi tâm thức mỗi người phải đặt vấn đề.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn nhận Thượng Đế chính là ‘Chân, Thiện, Mỹ’, do đó nghệ thuật chân chính phải là phản ảnh khuôn mẫu của Thượng Đế. Chẳng mấy người nhìn ngắm những hình ảnh khoả thân đầy dẫy trong đền đài Vatican mà bị khích dâm, trong khi đó mấy hình nại cớ và vin danh nghệ thuật của Playboy khó có thể tự biện minh.

Trở lại vấn đề thánh nhạc. Tôi chỉ hy vọng chúng ta cùng trải qua lịch sử và kinh nghiệm để rồi tìm ra một hướng đi.

L.m. Anthony Vũ Hùng Tôn
vuhungton@hotmail.com

 


 

Xem các bài viết khác trong Anthony Vũ Hùng Tôn.