Mục vụ Hôn nhân (14)

Wedding Ring

 


 

 

Bây giờ hầu như ai cũng công nhận phải chuẩn bị hôn nhân. Nhưng phải chuẩn bị những gì và làm sao cho hữu hiệu?

Hầu như đâu cũng có lớp Dự bị Hôn nhân. Nhưng đó là tại các thành phố lớn, các cộng đồng đông người nhiều nhân sự và nhiều ứng viên, chứ ở một làng xóm nhỏ bé hoặc một cộng đồng tí hon thì làm sao đây? Thiết nghĩ ‘thuyền to sóng lớn’, ‘sông nhỏ thuyền nhỏ’. Cá nhân người viết cảm thấy thoải mái khi dạy hôn phối cho 1-2 cặp vì dễ nói dễ thông cảm hơn và các cô cậu cũng để tâm chú ý hơn, còn khi giảng dạy cho mấy chục cặp thì cảm thấy hơi run và hơi nản vì không biết những gì mình trình bày có được chấp nhận đón tiếp hay không, và làm sao biết được các cô cậu thực sự học hỏi hay chỉ có thân xác ngồi đó cho qua giờ bắt buộc?

Tôi không có nhiều chương trình đây đó để so sánh, nên chỉ xin các quý vị phụ trách kiểm điểm lại xem nội dung giảng dạy có đủ các đề tài về đức dục (linh hồn nhờ giáo sĩ tu sĩ), trí dục (tâm trí nhờ chuyên viên tâm lý giáo chức cha mẹ) và thể dục (thể xác nhờ bác sĩ luật sư, chuyên viên tài chánh) không. Khi thấy một số nơi đã giảng dạy về cách nuôi con và giáo dục con cái, tôi thường đề nghị dành phần đó cho những khoá mục vụ hôn nhân sau này khi các vợ chồng thực sự làm cha mẹ. Một điều khá cần thiết và hình như chưa được giảng dạy đầy đủ là vấn đề điều hoà sinh sản tự nhiên (naturalfamily planning). Vì là vấn đề rất thực tế và khá quan trọng, chúng ta sẽ nói đến sau.

Ở Hoa Kỳ mãi tới thập niên ’50 tổng giáo phận Chicago mới tiền phong mở ra các khoá (tiền) Cana hoặc (Pre) Cana Conferences, trong đó có những bài thuyết trình hội thảo giống như những khoá Dự bị Hôn nhân của đa số các giáo xứ cộng đồng Việt Nam.

Sau đó vào thập niên 70, với ảnh hưởng tốt đẹp của phong trào Hội ngộ Phu thê (Marriage Encounter) phát sinh tổ chức Hội ngộ Đính hôn (Engaged Encounter). Cả hai phong trào và tổ chức đều theo một hình thức: hướng dẫn khoá cuối tuần là một linh mục hoặc giáo sĩ cùng với 2-3 cặp vợ chồng trẻ/trung niên/trưởng thành. Những vị này thuyết trình về một đề tài và chia sẻ kinh nghiệm của mỗi người đã sống thế nào, không phải để làm gương (role models) nhưng để hy vọng các cặp nam nữ khác hiểu biết và nhận thức thực tại để rồi chính họ cũng sẽ sống.

Điểm son của cả hai phong trào và tổ chức là khoá cuối tuần, và những bài thuyết trình đã được viết theo một dàn bài chung và được những người lãnh đạo phong trào tổ chức kiểm điểm thật kỹ càng. Đây không phải là những nhà thuyết trình hội thảo chuyên môn: họ chỉ chia sẻ những ý tưởng họ tin, những lời họ nói những việc họ làm là thành thật. Chỉ một cuối tuần là xong. Riêng khoá Hội ngộ Đính hôn vì kể như là chương trình do đa số giáo xứ bắt buộc, nên khoá nào cũng đông, và khó có thể nhận định được việc lãnh hội thu nhận của tham dự viên.

Vào thập niên ’80 một số giáo xứ lớn và có khả năng tài chánh cũng như nhân sự, thường tổ chức thêm các chương trình tại chỗ gọi là ‘sponsor couple program’ (chương trình đôi bảo trợ) hoặc ‘couple to couple program’ (chương trình cặp đôi hướng dẫn). Có khá nhiều sách viết về chương trình này như Marriage Preparation của Dr. Anthony DelVecchio, Only love can make it easy và Making Decisions của Twenty Third Publications, Two shall become one, Unitas, trong đó mới chỉ có cuốn ‘For better for ever’ của cha Robert Ruhnke CSsR ở San Antonio, Texas, là đã được phó tế Trần văn Nhật chuyển dịch qua tiếng Việt Nam.

Điểm lợi của chương trình này là thuận tiện về giờ giấc, địa điểm, nhân sự và tài chánh. Điểm khó kiểm chứng là hiệu năng của mỗi cặp bảo trợ.

Ngoài ra còn có một số văn phòng mục vụ gia đình và hôn nhân của giáo phận hoặc của tư nhân tổ chức những lớp đặc biệt gọi là tư vấn tiền hôn nhân (pre marriage counseling).

Các lớp đặc biệt này thường do những người đã tốt nghiệp về tư vấn hôn nhân hướng dẫn và chú tâm đặc biệt đến khía cạnh tâm lý, dùng các bản trắc nghiệm tâm lý cũng như những giờ phút phỏng vấn cá nhân (invidual interview). Có khá nhiều bản như Premarital inventory (PMI) và revised PMI, Pre marriage assessment (PMA), Prepare, Dare, và gần đây nhất là Facilitating Open Couple Communication, Understanding and Study (Foccus). Foccus đã được văn phòng mục vụ gia đình đại học Creighton, Omaha, Nebraska chuyển dịch qua Việt Ngữ, và công ty thảo chương PDS ở Phoenix, Arizona ấn hành. Vì vấn đề tương đối mới mẻ và từ ngữ chuyên môn chưa ổn định, nên tạo ra khó hiểu cho một số người dùng. Cá nhân chúng tôi đánh máy lại toàn bộ tiếng Anh kèm theo mỗi câu cá nhân chúng tôi chuyển dịch đề dùng riêng, và thấy tiện lợi hơn.

Điểm hay của các bản trắc nghiệm tâm lý là có những câu hỏi đưa ra các vấn đề mà bình thường các cô cậu gặp gỡ nói chuyện không biết hoặc không dám trình bày. Điều khó là những người giải thích trắc nghiệm phải được huấn luyện làm quen với dụng cụ mình dùng mới mong đem lại lợi ích thiết thực. Và dĩ nhiên người Việt Nam chúng ta chưa quen với trắc nghiệm, có thói quen cứ trả lời ‘đại’ cho xong cho rồi, nên mất hết ý nghĩa và mục đích. Thông thường thì các cô cậu làm bản trắc nghiệm trong lần gặp giáo sĩ lần đầu tiên. Hầu như Mỹ cũng như Việt, ai cũng có khuynh hướng làm cho mau mau để ra về. Do đó khi nhìn vào bản trả lời, có khi họ nói rằng khi đó làm vội quá chưa kịp suy nghĩ nên mới trả lời như vậy. Kinh nghiệm cá nhân chúng tôi thường bảo cô cậu đem về nhà và suy nghĩ trước khi trả lời bằng bút chì: có thể hỏi nhau về ý nghĩa câu hỏi khi đọc mà không hiểu, nhưng không được cho nhau biết câu trả lời. Câu 142 là điển hình nhất: cô cậu bàn hỏi tranh luận và thường vẫn giữ riêng lập trường thái độ của mình.

Dù trắc nghiệm có hoàn hảo mấy chăng nữa, dù người hướng dẫn có tài ba mấy chăng nữa, dù chương trình có đầy đủ mấy chăng nữa, nếu các cô cậu không thực tâm hợp tác chia sẻ, không cố gắng theo lời hướng dẫn, kết quả cũng sẽ chẳng đâu vào đâu.

Điều then chốt của chuẩn bị vẫn là cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng hướng dẫn, để rồi sẵn sàng học tập tìm hiểu mình, tìm hiểu người, tìm hiểu mục đích nhiệm tích hôn phối, tìm hiểu ơn Chúa gọi và can đảm quyết định đi theo trọn vẹn.

 

L.m. Anthony Vũ Hùng Tôn
vuhungton@hotmail.com

 


 

Xem các bài viết khác trong Anthony Vũ Hùng Tôn.