SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TINH THẦN LẠC QUAN

1 2 3 4 5 6 7 8

9 10 11 12 13 14

gxvnparis

 

CHƯƠNG 8 : LÀM SAO ĐỂ TRÁNH THÓI QUEN LO LẮNG


NORMAN VINCENT PEALE

 

 

Bạn đừng để cho mình trở nện nạn nhân của lo lắng. Vậy nói cho cùng: lo lắng là gì? Thật ra lo lắng chỉ là một thói quen tệ hại và phá hoại trong tâm trí. Không ai từ bẩm sinh đã biết lo lắng. Bạn bị tiêm nhiễm chứng lo lắng. Bạn có thể gột bỏ hết những lo lắng khỏi tâm trí cũng như có thể thay đổi bất cứ tập quán, thói quen, thái độ nào của bạn như vậy.

Muốn trừ khử các lo lắng bất thường, trước hết mỗi ngày bạn hãy dốc cạn tâm trí của bạn ra. Tốt hơn hết là nên làm như vậy trước khi đi ngủ để giấc ngủ của bạn khỏi bị phiền hà vì những lo lắng còn ám ảnh vấn vương trong đầu óc. Trong khi ngủ, các ý nghĩa có khuynh hướng đi sâu vào tiềm thức. Năm phút trước khi đi ngủ là thời gian rất quan trọng đặc biệt, vì chính trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, tâm trí của bạn dễ đón nhận những ý tưởng cuối cùng khi bạn còn đang tỉnh thức trước khi đi ngủ.

Phương pháp dốc cạn tâm trí như vậy là một điều rất quan trọng để loại bỏ các lo lắng phiền muộn, bởi vì nếu không loại bỏ được hết các ý nghĩa sợ hãi, tâm trí bạn sẽ bị trở ngại án ngữ không cho sức mạnh của tâm trí và tinh thần lưu thông nữa. Muốn dốc cạn tâm trí, xin bạn hãy dùng phương pháp trí tưởng tượng sáng tạo. Bạn thử hình dung ra con người bạn đang dốc can tâm trí khỏi tất cả lo lắng sợ hãi. Hãy nhìn hình ảnh bạn đang để cho các ý nghĩ lo lắng thoát ra khỏi con người bạn y như bạn tháo nút cống ra vậy để cho nước chảy tự do. Trong lúc hình dung ra cảnh tượng đó, hãy lặp đi lặp lại lời nói quả quyết sau đây: “Nhờ ơn Chúa giúp, tôi đang dốc cạn mọi lo lắng, sợ hãi, mọi nỗi bất an ra khỏi con người của tôi”. Hãy làm như vậy 5 lần thật chậm rãi, rồi nói thêm: “Tôi tin rằng tâm trí tôi bây giờ đã trống rỗng không còn lo lắng sợ hãi hoặc bất an gì nữa!” Lặp đi lặp lại 5 lần nữa, trong khi hình dung ra tâm trí bạn đã trống rỗng không còn lo lắng sợ hãi gì nữa. Rồi dâng lời cảm tạ Chúa đã giải thoát bạn khỏi lo lắng sợ hãi. Sau đó lên giường đi ngủ ngon lành. Khi mới bắt đầu thực tập phương pháp chữa trị này, bạn nên dùng cách thức trên vào ban sáng, ban chiều và ban tối. Hãy đi tới một nơi yên tĩnh và ở đó chừng 5 phút để thực hiện như trên. Xin bạn kiên trì thực tập phương pháp đó mới mau thấy kết quả hữu ích.

Sau khi dốc cạn tâm trí cho trống rỗng rồi, bạn lại phải thực tập làm đầy tâm trí lại. Hãy làm đầy tâm trí với những ý nghĩ đầy niềm tin, hy vọng, can trường, trông cậy. Hãy nói to lên những lời như: Chúa đang đổ tràn đầy tâm trí tôi với can đảm, bình an, vững tâm. Chúa đang che chở những người thân yêu của tôi khỏi mọi tai hại. Chúa đang hướng dẫn tôi biết quyết định đúng. Chúa sẽ giúp tôi qua khỏi tình trạng này”.

Mỗi ngày chừng 5-6 lần, bạn hãy làm đầy tâm trí bạn với những ý nghĩ như vậy để tâm trí bạn tràn ngập các ý nghĩ trên. Rồi những ý nghĩ đầy niềm tin này sẽ đẩy những lo lắng ra ngoài xa. Sợ hãi là ý nghĩ có sức mạnh ghê gớm nhất, ngoại trừ một trường hợp đó là trường hợp niềm tin. Niềm tin luôn luôn chiến thắng sợ hãi. Niềm tin chính là sức mạnh mà sợ hãi không làm gì được. Nếu như ngày này qua ngày khác bạn làm đầy tâm trí bạn với niềm tin, cuối cùng sợ hãi sẽ hết chỗ đứng. Đây là một sự kiện quan trọng mà không ai có quyền quên được. Hãy làm chủ niềm tin, tự động bạn sẽ làm chủ được cả sợ hãi.

Cách thế là như vậy: dốc cạn tâm trí rồi dùng ơn Chúa để làm đầy tâm trí với niềm tin, đương nhiên bạn sẽ phá vỡ được tập quán lo lắng.

Sau đây là một thí dụ rõ ràng nhất để cho thấy chiến thuật chống lo lắng do một thương gia suy nghĩ và đề nghị. Trước kia ông là một người đã rơi vào tình trạng sức khoẻ yếu kém và tinh thần suy nhược. Điều ông lo lắng nhất là luôn luôn nghi ngờ không biết mình có nói cho đúng lời hoặc làm cho đúng việc không. Ông luôn bàn lui tính tới về các quyết định của ông với hy vọng cảm thấy khỏi căng thẳng về những quyết định đó.

Cuối cùng ông đã phá vỡ được thói quen đó bằng một nghi thức nho nhỏ mà ông thực hiện mỗi tối trước khi bỏ sở làm. Ông giơ tay xé tấm lịch của ngày hôm đó, vo tròn lại như trái banh, ném ngay vào thùng rác, rồi ông cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã cho con ngày hôm nay. Con đã làm hết sức con và Chúa đã giúp con, con xin cám ơn Chúa. Con cũng đã vấp phạm một vài sai lỗi: đó là khi con không nghe theo lời Chúa chỉ dẫn. Con thực tâm sám hối. Xin Chúa tha thứ cho con. Nhưng con cũng thành công được một ít và con xin ghi nhận công ơn Chúa đã hướng dẫn. Nhưng giờ đây, lạy Chúa, dù thành công hay lầm lỗi, một ngày cũng đã qua đi, và đối với con như thế là xong. Con xin trao gửi ngày hôm nay lại cho Chúa. Amen”.

Có thể đây không phải là một lời cầu nguyện chính cống, nhưng thực tế là một lời cầu nguyện rất hiệu nghiệm. Ông đã biết làm sống động giờ phút cuối ngày và hướng mắt về tương tai với hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Nhờ phương pháp đó mà các lỗi phạm hoặc quên sót không còn ảnh hưởng gì tới ông nữa. Ông đã thoát khỏi mọi lo lắng đã chồng chất từ mấy ngày qua. Nhờ kỹ thuật này ông đã thực hiện được một trong các công thức hiệu nghiệm nhất để chống lo lắng: công thức đó đã được diễn tả bằng những lời sau đây: “… tôi chỉ có làm một điều này thôi, đó là quên đi những gì đã qua, và tiến tới những gì sắp đến. Tôi cố gắng tiến tới lằn mức ấn định phần thưởng của tiếng gọi từ cao của Chúa trong Đức Kitô” (Pl 3: 13-14),

Để phá vỡ tập quán lo lắng, xin bạn hãy tập theo công thức sau đây:

  1. Hãy tự nhủ: “Lo lắng chỉ là một tập quán xấu trong tâm trí. Với ơn Chúa, tôi có thể thay đổi bất cứ tập quán nào”.

2. Mỗi sáng trước khi thức dậy, việc đầu tiên bạn phải làm là nói lớn tiếng 3 lần câu: “tôi tin”.

3. Dùng công thức sau đây để cầu nguyện: “Ngày hôm nay, con xin đặt vào trong tay Chúa: sự sống của con, những người thân yêu của con, công việc của con. Bất cứ việc gì xảy ra, bất cứ hậu quả thế nào, mà nếu như con ở trong bàn tay của Chúa, âu đó cũng là thánh ý Chúa và cũng là điều tốt thôi”.

4. Hãy tập nói một lời tích cực lạc quan về bất cứ sự gì mà trước kia bạn có thói quen nói lời tiêu cực bi quan. Chẳng hạn như đừng nói: “Tôi sẽ chẳng bao giờ làm được như vậy”, mà hãy nói “với ơn Chúa, tôi sẽ có thể làm được”.

5. Đừng bao giờ tham dự vào một cuộc nói chuyện bi quan lo lắng.

6. Hãy ghi nhận các đoạn trong Sách Thánh có nói về niềm tin, hy vọng, hạnh phúc, vinh quang, ánh sáng. Tập học thuộc lòng từng câu. Đọc đi đọc lại để cho những lời sáng tạo đó tràn ngập tâm trí tiềm thức của bạn để rồi tâm trí tiềm thức sẽ trả lại cho bạn những gì bạn đã trao gửi vào đó: lạc quan chứ không phải lo lắng.

7. Làm bạn với những người đầy hy vọng. Làm quen kết thân với những người có tư tưởng lạc quan, có ý nghĩa đầy tin tưởng, và những ai tạo nên bầu khí sáng tạo. Làm như vậy bạn sẽ được phấn khởi bởi những thái độ đầy niềm tin.

8. Coi xem bạn có thể giúp ai bỏ tập quán lo lắng. Khi giúp người khác hết lo lắng, bạn tự tạo cho mình nhiều nghị lực để lướt thắng.

9. Mỗi ngày trong suốt đời bạn, hãy quan niệm như bạn cùng sống, cùng làm bạn với Đức Giêsu Kitô. Nếu như thật sự có Chúa đi bên cạnh, thử hỏi bạn có còn lo lắng sợ hãi gì nữa không? Nếu câu trả lời là không, xin bạn hãy tự nhủ lòng mình “Ngài đang ở cùng tôi”. Hãy nhắc lại thật to lời Ngài đã hứa “Ta ở cùng các con mọi ngày” (Mt 28: 20), rồi đổi lời đó thành “Ngài ở cùng tôi bây giờ đây”. Mỗi ngày lặp lại lời đoan quyết đó ít nhất 3 lần.

 

Bản dịch
Hà Hoàng Tâm

 


1 2 3 4 5 6 7 8

9 10 11 12 13 14

 

Xem các bài viết khác trong Anthony Vũ Hùng Tôn.